Sự sẵn sàng cho giáo dục trẻ khuyết tật nghiên cứu tại 8 tỉnh ở Việt Nam

Từ đầu những năm 1990, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành xây dựng các chính sách và kế hoạch hành động nhằm đảm bảo trẻ khuyết tật có thể tiếp cận giáo dục và được học trong các trường phổ thông hòa nhập. Mặc dù các chính sách và kế hoạch hành động này đã mang lại một số thay đổi hướng tới mục tiêu đề ra nhưng do nhiều rào cản trong đó có định kiến với người khuyết tật đã khiến trẻ khuyết tật tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận một nền giáo dục hòa nhập chất lượng. Ví dụ như kết quả Cuộc Điều tra Dân số năm 2009 cho thấy chỉ có 66,5% trẻ khuyết tật trong độ tuổi tiểu học được đến trường so với tỷ lệ trung bình của cả nước là 96,8%. Vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra là tất cả các bên có liên quan cần tháo gỡ những rào cản, trở ngại đó để trẻ khuyết tật được tiếp cận một nền giáo dục hòa nhập bình đẳng như những trẻ em khác.

Đây là một nghiên cứu sử dụng phương pháp mô tả tổng hợp bao gồm nghiên cứu tài liệu, gửi phiếu khảo sát, phỏng vấn các cá nhân chủ chốt, thảo luận nhóm trọng tâm và quan sát để tìm hiểu các vấn đề liên quan đến sự sẵn sàng cho việc giáo dục trẻ khuyết tật tại 8 trong số 63 tỉnh/ thành tại Việt Nam, trong đó có khảo sát thực địa tại 3 tỉnh/ thành để phục vụ cho công tác nghiên cứu sâu hơn. Tám tỉnh/thành nghiên cứu bao gồm An Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Gia Lai và Đồng Tháp, trong đó nhóm nghiên cứu đi khảo sát thực địa tại Điện Biên, Kon Tum và Ninh Thuận.

Các phát hiện từ nghiên cứu này làm rõ những điểm mấu chốt trong hệ thống giáo dục giúp sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của trẻ khuyết tật tại Việt Nam. Những điểm mấu chốt này bao gồm các nhân tố giúp trẻ khuyết tật tham gia vào các hoạt động trong trường học, các chính sách quan trọng và thực tiễn trong việc giám sát chặt chẽ và hỗ trợ ngành giáo dục có thể giúp mở rộng cơ hội tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, cả nam và nữ. Tuy nhiên, trẻ khuyết tật vẫn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận giáo dục.