Tổng Quan Về Tâm Lý Trường Học

Tâm lý học đường là một trong những lĩnh vực quan trọng trong công tác giáo dục các cấp bậc. Học sinh và sinh viên không chỉ cần được quan tâm về năng lực học tập, mà còn cần được chăm sóc về sức khỏe tinh thần, giúp các em có sự phát triển toàn diện trong giai đoạn vàng. 

Thông qua tâm lý học đường, các yếu tố như gia đình, nhà trường và xã hội được kết nối. Các nguồn lực được huy động và hỗ trợ sẽ giúp học sinh có điều kiện học tập tốt nhất. 

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về lĩnh vực tâm lý học đường thông qua các khái niệm, ý nghĩa và tính thiết yếu của lĩnh vực này trong môi trường giáo dục. 

Các Khái Niệm

Tâm Lý Học Đường

Tâm lý học đường là một lĩnh vực nghiên cứu và thực hành chuyên môn tập trung vào nhu cầu giáo dục và tâm lý của trẻ em, thanh thiếu niên và gia đình. Mặc dù liên quan chặt chẽ với nhiều lĩnh vực khác như tâm lý học lâm sàng và tham vấn, tâm lý học phát triển, phân tích hành vi, giáo dục đặc biệt, giáo dục và tư vấn học đường, tâm lý học đường là một chuyên ngành độc đáo. Nó đòi hỏi phải đào tạo về sự phát triển, học tập, hành vi, động lực và sức khỏe tâm thần của trẻ, cũng như về đánh giá, tư vấn và can thiệp trong các lĩnh vực này.

Tham Vấn Tâm Lý Học Đường

Tham vấn tâm lý học đường giải quyết các vấn đề có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, bao gồm các thách thức về tâm lý xã hội và hành vi (Gachenia & Mwenje, 2020). Dịch vụ tham vấn học đường thường được cung cấp bởi cố vấn trường học, hoặc nhà tâm lý học đường,…

Vai trò của cố vấn trường học là giải quyết sự phát triển về tinh thần, cảm xúc, xã hội và học tập của học sinh (Heled & Davidovitch, 2020; Popov & Spasenovic, 2020).

Một nghiên cứu năm 2020 của Popov và Spasenovic đã chỉ ra các yếu tố chính của tham vấn tâm lý học đường có thể gồm: :

  • Hỗ trợ tâm lý, học tập và xã hội cho học sinh
  • Giải quyết xung đột giữa các chủ thể trong đời sống học đường
  • Giúp học sinh giải quyết các vấn đề cá nhân
  • Tư vấn cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và hiệu trưởng
  • Phối hợp các hoạt động khác nhau của trường.

Phòng Tham Vấn

Phòng tham vấn được thành lập nhằm mang đến cho tất cả học sinh, sinh viên cơ hội được tham vấn, tư vấn về nhiều vấn đề khác nhau có thể phát sinh trong quá trình Học sinh, sinh viên được khuyến khích đến phòng tham vấn để nhận sự hỗ trợ từ chuyên viên tham vấn tâm lý học đường trong việc giải quyết các vấn đề cá nhân. 

Phòng tham vấn tâm lý học đường là nơi để học sinh chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và giúp học sinh vượt qua các rối nhiễu tâm lý để quay trở lại công việc học tập. Về nguyên tắc, các buổi tham vấn sẽ được thực hiện theo lịch hẹn.

Chuyên Viên Tâm Lý Học Đường

Chuyên viên tâm lý học đường có thể là đảm nhận các vị trí có tính đa nhiệm. Nhưng nhiệm vụ chủ đạo của họ vẫn sẽ là tham vấn tâm lý học đường. Dưới đây là các vị trí mà một chuyên viên tâm lý học đường có thể đảm nhiệm trong trường học.

  • Người hòa giải

Có thể có nhiều tình huống khó khăn trong bối cảnh trường học và chuyên viên tham vấn tâm lý học đường có thể đóng vai trò như một người bào chữa, người hướng dẫn và đàm phán bằng các biện pháp ngoại giao.

Ví dụ, một học sinh cảm thấy như đang bị giáo viên đối xử bất công. Lúc này, chuyên viên tham vấn tâm lý học đường có thể trở thành người hòa giải giữa những học sinh xảy ra xung đột về lợi ích. 

  • Người đồng hành đáng tin cậy

Đôi khi tất cả những gì học sinh cần chỉ đơn giản là một người bạn và một chuyên viên tâm lý học đường có thể đáp ứng được điều đó nhờ có các chuyên môn về tâm lý. 

Giống như một người bạn, người chuyên viên tâm lý học đường có thể ở vai trò một người cố vấn, người hỗ trợ, người lắng nghe và là người mà học sinh có thể tin tưởng.

  • Giám Thị

Ở một số trường, chuyên viên tham vấn tâm lý có thể là người đầu tiên giải quyết những hành vi vi phạm của học sinh. Khi giáo viên đuổi một học sinh ra khỏi lớp, học sinh đó có thể phải đến gặp chuyên viên tâm lý học đường để giải quyết các vấn đề trong hành vi của mình. Sau đó, chuyên viên có thể là người quyết định hành động tiếp theo của học sinh.

  • Nhà tâm lý học

Trong nhiều trường hợp, chuyên viên tâm lý học đường đóng vai trò là nhà tâm lý học trường học khi thực hiện các buổi tham vấn. Tham vấn học đường có thể phải giải quyết những tổn thương của học sinh hoặc khắc phục những tình huống liên quan đến bắt nạt.

  • Hỗ trợ giáo viên

Chuyên viên tham vấn tâm lý học đường cũng có thể hỗ trợ giáo viên đứng lớp, tư vấn hoặc đưa ra các bài học về kỹ năng sống hoặc hoặc phát triển các kỹ năng cảm xúc xã hội.

Giống như giáo viên đứng lớp phải chuẩn bị bài học, ở vị trí này, chuyên viên cũng có thể xây dựng và truyền tải những bài học hấp dẫn, đồng thời, cũng yêu cầu phải có kỹ năng quản lý lớp học tốt. Chuyên viên tâm lý cũng sẽ cần có năng lực đánh giá kiến thức của học sinh trong, sau buổi học và tư vấn giáo viên nhằm điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp với các định hướng hoặc mục tiêu chung. 

  • Tư Vấn

Chuyên viên tâm lý học đường có thể cần hợp tác và tư vấn cho các nhân viên nhà trường trong việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông về tâm lý học đường, hoặc quá trình giảng dạy, truyền tải về tâm lý học đường tới các học sinh, sinh viên.

Chuyên viên tâm lý học đường có thể đóng vai trò như một chuyên gia, một nhà tư vấn trong việc giảng dạy các kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. (Karunanayake và cộng sự, 2020; Popov & Spasenovic, 2020).

Trước tiên, chuyên viên tâm lý học đường sẽ tìm kiếm một chương trình giảng dạy kỹ năng sống dựa trên nghiên cứu phù hợp với nhân khẩu học của trường, cung cấp nội dung và hỗ trợ các giáo viên tích hợp chương trình này vào quá trình giảng dạy.

Vì Sao Tâm Lý Học Đường Cần Thiết?

Tâm lý học đường là một lĩnh vực cần thiết và cần được phát triển mạnh mẽ hơn tại các trường học trên địa bàn cả nước. Dưới đây là các lý do nên phát triển lĩnh vực tâm lý học đường trong trường học. 

1. Sự hỗ trợ của các nhà tâm lý học trong trường học là điều cần thiết

Các nhà tâm lý học trường học được đào tạo chuyên sâu về sự phát triển của trẻ em, họ có thể làm việc kết hợp với các giáo viên, cố vấn học tập và nhân viên công tác xã hội. Chuyên môn của nhà tâm lý học đường rất hữu ích trong việc giải quyết các nhu cầu của trẻ em và đảm bảo sự phát triển của trẻ trong môi trường giáo dục.

2. Phát triển tâm lý học đường giúp hỗ trợ xử lý các tình huống can thiệp khủng hoảng tâm lý trong trường học

Sự phát triển tâm lý của trẻ có thể phải chịu tác động lớn từ các sự kiện khủng hoảng. Học sinh có thể là người chứng kiến hoặc gián tiếp nghe về sự kiện khủng hoảng. Do đó, sự hỗ trợ của tâm lý học đường có thể hỗ trợ về mặt tinh thần đối với các học sinh khi là nạn nhân của các bi kịch, hoặc là người gián tiếp chứng kiến các thảm họa, bi kịch trong môi trường học đường.  

3. Tâm lý trường học hỗ trợ xây dựng môi trường học đường an toàn, tích cực và thuận lợi cho quá trình học tập.

Vấn đề phổ biến xảy ra trong các trường học là bạo lực, bắt nạt học đường. Các hành vi bạo lực ở thanh thiếu niên có thể gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho những người xung quanh. 

Một báo cáo của CDC năm 2014 chỉ ra rằng có khoảng 486.400 vụ bạo lực không gây tử vong ở học sinh trong độ tuổi 12 đến 18. Khoảng 9% giáo viên cho biết họ đã bị học sinh trong trường đe dọa gây thương tích; 5% giáo viên của trường cho biết họ đã bị một học sinh trong trường tấn công thể chất. (Nguồn: https://www.cdc.gov/violenceprevention/pdf/school_violence_fact_sheet-a.pdf)

Việc tạo dựng một môi trường trường học hạnh phúc an toàn là rất quan trọng. Các nhà tâm lý học có thể đánh giá môi trường trong trường học và đề xuất các chiến lược nhằm xác định những học sinh có nguy cơ và các chương trình phòng ngừa. Các nhà tâm lý học học đường có nhiệm vụ tạo ra các dịch vụ can thiệp nhằm thúc đẩy kỷ luật, công bằng và các nỗ lực phòng ngừa trên toàn trường. Các chương trình này xem xét nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm sự nhạy cảm về văn hóa và xã hội, sự khác biệt tôn giáo và thực tế kinh tế xã hội.

4. Tâm lý học đường giúp tăng cường quan hệ đối tác giữa gia đình và nhà trường cũng như tiếp cận cộng đồng.

Tâm lý học đường được kỳ vọng sẽ đóng vai trò kết nối giữa gia đình và nhà trường cũng như giữa nhà trường và cộng đồng. Trong đó, nhà tâm lý học là người được đào tạo để kết nối mọi người nhằm thúc đẩy một môi trường học tập an toàn và lành mạnh.  

Kết Bài

Tâm lý học đường vẫn là một lĩnh vực cần được quan tâm và chú ý nhiều hơn trong quá trình xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện. Học sinh sẽ không chỉ cần được phát triển về trí tuệ, thể chất, mà còn về cả sức khỏe tâm thần. Các nhà quản lý, nhà chuyên môn, nhà giáo dục sẽ cần chung tay để xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh, giúp các em có đủ điều kiện để phát triển vượt bậc trong tương lai. 

Nguồn: 

(1) School Psychology – Link Springer

(2) What Is School Counseling? 14 Roles & Goals of Counselors – Positive Psychology

(3) Student Counseling Room – Keio University

(4) 5 Reasons Why School Psychologists are Essential Today – BestPsychologyDegree