Công tác xã hội trong trường học là gì?
Công tác xã hội trường học nằm trong lĩnh vực công tác xã hội và gắn với yếu tố tâm lý xã hội của học sinh với nhiệm vụ và sứ mệnh thúc đẩy, duy trì sức khỏe và hạnh phúc của các em. Hiệp hội Công tác xã hội trường học Hoa Kỳ định nghĩa nhân viên công tác xã hội trong trường học là “các chuyên gia sức khỏe tâm thần được đào tạo, có thể hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe tâm thần, mối quan tâm về hành vi, hỗ trợ hành vi tích cực, hỗ trợ học tập và lớp học, tư vấn với giáo viên, phụ huynh và nhà quản lý giáo dục cũng như cung cấp tư vấn/trị liệu cá nhân và nhóm.”
Đánh giá và can thiệp tâm lý xã hội, tư vấn cho học sinh và gia đình, đánh giá hành vi thích ứng, giáo dục sức khỏe, đánh giá sự phát triển của học sinh khuyết tật, xác định học sinh có nguy cơ, tích hợp các nguồn lực cộng đồng vào trường học, vận động, quản lý các trường hợp cá nhân đặc biệt có nhu cầu cần giúp đỡ và thúc đẩy sự thay đổi có tính hệ thống trong trường học chỉ là một vài vai trò của nhân viên công tác xã hội trong trường học.
Giá trị của CTXH trong trường học
Nhân viên xã hội trường học, theo Florence Poole năm 1949, là nhân viên lành nghề, chịu trách nhiệm xác định những nhu cầu nào trong trường học có thể được đáp ứng thông qua dịch vụ công tác xã hội trường học. Nhân viên xã hội trường học phải cung cấp dịch vụ tương thích với tổ chức và cơ cấu tổng thể của trường và có thể được xác định dựa trên việc sử dụng kiến thức và kỹ năng công tác xã hội. Họ phải xác định sự đóng góp của mình để nhân viên nhà trường chấp nhận nó như một dịch vụ hỗ trợ những mục tiêu chính mà nhà trường đề ra.
Các giá trị mà công tác xã hội trong trường học mang lại là:
- Mỗi học sinh đều được tôn trọng như một cá thể riêng biệt.
- Mỗi học sinh đều được phép tham gia vào quá trình học tập.
- Sự khác biệt cá nhân cần được thừa nhận; sự can thiệp nên nhằm mục đích hướng dẫn mục tiêu của học sinh với sự hỗ trợ giáo dục để rèn luyện các em về cuộc sống mà các em mong đợi.
- Mỗi đứa trẻ, bất kể chủng tộc và đặc điểm kinh tế xã hội, đều có quyền được đối xử bình đẳng trong trường học.
Nguyên tắc thực hiện công tác xã hội trong trường học
1. Giữ bí mật các thông tin cá nhân của người học, trường hợp chia sẻ thông tin phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Tôn trọng các đặc điểm riêng biệt, tính cách, phẩm chất, hoàn cảnh cá nhân của người học, đặt người học vào vị trí trung tâm của các hoạt động trợ giúp.
3. Lắng nghe ý kiến của người học và tạo cơ hội để người học tham gia tối đa vào việc thảo luận các giải pháp đối với những vấn đề của bản thân.
4. Bảo đảm mọi quyết định đưa ra đều có sự cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích tốt nhất của người học nhưng không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
5. Bảo đảm mối quan hệ bình đẳng, khách quan, chuẩn mực giữa người học với người tham gia công tác xã hội trong trường học.
Nội dung công tác xã hội trong trường học
1. Phát hiện các nguy cơ trong và ngoài cơ sở giáo dục có ảnh hưởng tiêu cực đến người học; phát hiện các vụ việc liên quan đến người học có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, có hành vi bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.
2. Tổ chức các hoạt động phòng ngừa, hạn chế nguy cơ người học rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật
3. Thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp đối với người học có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.
4. Phối hợp với gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng, thực hiện việc can thiệp, trợ giúp đối với người học cần can thiệp, trợ giúp khẩn cấp hoặc giáo viên, người học có nhu cầu can thiệp, hỗ trợ.
5. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng cho người học sau can thiệp hoặc người học, giáo viên, phụ huynh có nhu cầu hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng.
Vai trò của công tác xã hội trong trường học
Rà soát, phát hiện nguy cơ
1. Rà soát, nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình và các hiện tượng bất thường của người học. Chủ động phát hiện người học có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nghỉ học thường xuyên, có nguy cơ bỏ học, bị xâm hại, bị bạo lực, vi phạm pháp luật.
2. Thiết lập hệ thống tiếp nhận thông tin của cơ sở giáo dục như hòm thư góp ý, đường dây nóng hoặc các hình thức sử dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận các vụ việc có nguy cơ gây tổn hại đến người học.
Phòng ngừa
1. Tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo và hướng dẫn người học về các tình huống, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật. Tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, vận động cộng đồng, xã hội kịp thời phản ánh thông tin về các vụ việc liên quan đến người học và tham gia xây dựng môi trường trường học an toàn, lành mạnh.
2. Hướng dẫn người học, cha mẹ hoặc người giám hộ của người học, giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục sử dụng các dịch vụ hỗ trợ từ cơ sở giáo dục, Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em theo số 111, Trung tâm công tác xã hội các cấp hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng.
3. Cung cấp thông tin, tài liệu, trang bị cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người học, giáo viên các kiến thức, kỹ năng, phương pháp phát hiện các trường hợp người học có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ bỏ học, bị căng thẳng, khủng hoảng, nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực và trách nhiệm thông báo, phối hợp giải quyết cùng cơ sở giáo dục.
Can thiệp, trợ giúp và hỗ trợ phát triển
Tham khảo thêm trong Thông tư Số: 33/2018/TT-BGDĐT – Hướng dẫn Công tác xã hội trong trường học tại đây.
Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong trường học
Nhân viên công tác xã hội trường học được đào tạo nhằm cung cấp các hỗ trợ và dịch vụ toàn diện, hướng tới giải quyết các rào cản ảnh hưởng đến nhu cầu xã hội, tình cảm, học tập và thể chất của tất cả học sinh.
Các dịch vụ công tác xã hội trường học bao gồm đánh giá và sàng lọc, tư vấn cá nhân và nhóm, can thiệp và phòng ngừa khủng hoảng, hỗ trợ gia đình, vận động chính sách và giảng dạy trong lớp học. Nhân viên công tác xã hội trường học cung cấp tư vấn và đào tạo cho các quản trị viên và nhân viên nhà trường liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ em, bao gồm quản lý hành vi và quản lý lớp học, sức khỏe tâm thần, lạm dụng, bỏ rơi trẻ em và các khủng hoảng khác.
Nhân viên công tác xã hội trường học giải quyết các nhu cầu đa dạng của học sinh, có và không có khuyết tật, những người có thể bị bạo lực và quấy rối, đối mặt với tình trạng vô gia cư, đang mang thai hoặc đang nuôi con, các trường hợp thường xuyên vắng mặt hoặc trốn học, hoặc đang chuyển đổi giữa trường học và các chương trình điều trị, các trường hợp cần chăm sóc nuôi dưỡng, hoặc hệ thống tư pháp dành cho trẻ vị thành niên, các trường hợp có nguy cơ bỏ học cao và gặp các thách thức khác về hành vi và sức khỏe tâm thần. Nhân viên công tác xã hội trường học đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng và các dịch vụ đáp ứng về mặt văn hóa cho tất cả học sinh và gia đình, tối đa hóa sự thành công của học sinh ở trường và cải thiện văn hóa, môi trường và an toàn trong trường học.
Nghiên cứu về hiệu quả của các dịch vụ công tác xã hội trường học cho thấy kết quả tích cực liên quan đến thành tích học tập, an toàn về thể chất và tâm lý, cải thiện sức khỏe tâm thần và hành vi, cải thiện chuyên cần và năng lực cảm xúc xã hội của các em học sinh cũng như gia tăng sự tham gia của gia đình và cộng đồng.
Nguồn tham khảo
(1) Thông tư Số: 33/2018/TT-BGDĐT – Hướng dẫn Công tác xã hội trong trường học
(2) Role of School Social Worker – North Carolina Department of Public Instruction
(3) Role of School Social Worker – School Social Work Association of America
(4) What is School social work? Explained