Tâm Lý Học Lý Giải Hành Vi Tự Hại (Self-harm)

!!!TRIGGER WARNING: Bài viết dưới đây là những thông tin mang tính chất nhạy cảm về tự hại (self-harm). Hãy cẩn trọng khi đọc bài viết này, nếu sức khỏe tâm thần của bạn đang không ổn định hoặc bạn dễ bị kích động/ tác động xấu bởi chủ đề về self-harm, xin hãy suy nghĩ về việc ngừng đọc bài viết.

Tự hại (self-harm) là hành vi làm tổn thương bản thân, kể cả đó là về thể chất hay tinh thần, cố ý hay không cố ý.

Rất nhiều người nghe tới thuật ngữ “tự hại” và liên tưởng điều này với hành vi cố ý tự làm hại bản thân như là cắt, đốt, hay cậy da, nhưng tự hại có thể biểu hiện qua nhiều cách khác. Những hành vi không lành mạnh và tự huỷ hoại bản thân dù là cố tình hay vô tình đều thường liên quan tới tâm lý tự hại.

Hành vi tự hại có thể dẫn tới những rối loạn sức khoẻ tâm thần, rối loạn ăn uống và rối loạn lạm dụng chất, nhưng điều gì cụ thể khiến một cá nhân tự làm hại bản thân? Tâm lý học đằng sau hành vi tự hại lý giải có nhiều nhân tố tác động thay vì chỉ có một nguyên nhân gây ra. Nghiên cứu cho thấy rằng tự hại thường bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên và đặc biệt phổ biến ở những gia đình có sự dồn nén, nơi mà những cảm xúc tiêu cực bị chối bỏ hay không được nói đến. Một yếu tố phổ biến mà nhiều cá nhân tự hại chia sẻ là họ được dạy từ khi còn nhỏ rằng những cảm xúc tiêu cực là “tồi tệ” và “sai trái”.

Tâm Lý Học Về Việc Cắt/ Rạch

Cắt/ rạch là hình thức tự hại phổ biến nhất, hay còn gọi là tự huỷ hoại bản thân không tự sát (non-suicidal self-injury). Giống như những hình thức khác của hành vi tự hại, cắt/ rạch không phải là một dạng của tự sát mà thường là một cơ chế đối phó không lành mạnh để giải toả căng thẳng.

Dao, rọc giấy, dao cạo và các vật nhọn khác thường được sử dụng trong hành vi này. Cắt/ rạch là một phần của vòng luẩn quẩn liên quan tới sự tức giận, buồn bã bị dồn nén, tìm đến giải toả tinh thần nhanh chóng. Một khi hoàn thành hành động cắt/ rạch và những cảm xúc cần giải toả đã biến mất, cá nhân ấy thường có cảm giác tội lỗi và xấu hổ, sau đó là sự giận dữ và chối bỏ, cho tới khi vòng lặp ấy lại tiếp tục.

Các cá nhân có tiền sử bị lạm dụng, chấn thương tâm lý, lòng tự trọng thấp, mâu thuẫn gia đình, bắt nạt, và xung đột bản dạng giới thường có nguy cơ bị căng thẳng tột độ và những cảm xúc tiêu cực khiến họ khó mà kiểm soát được. Kết quả là, cắt/ rạch được sử dụng như một cơ chế đối phó để giảm bớt căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực ấy. Một vài cá nhân có thể còn dùng việc cắt/ rạch để làm tê liệt sự đau đớn, hoặc ngược lại, để thật sự cảm nhận nỗi đau vì những cảm xúc tiêu cực đã khiến họ không còn cảm nhận được gì nữa. Nhiều cá nhân thực hiện tự hại coi hành vi này như sự giải toả tâm lý, một cách để tháo gỡ những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực tiềm ẩn của họ.

Tâm Lý Học Về Cảm Xúc Tự Hại

Tâm lý tự hại bao gồm việc tự nói với bản thân rằng họ không đủ tốt và vô hình trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của chính bản thân trong việc huỷ hoại tình bạn và những mối quan hệ.

Tâm lý tự hại gắn liền với các sự kiện trong quá khứ xảy ra ở thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Có thể là bố mẹ của họ đã quá nghiêm khắc, hoặc có tiền sử bỏ bê, lạm dụng tình dục, hay có thể có một người lớn (huấn luyện viên/ giáo viên) luôn chỉ trích tiêu cực.

Tâm lý tự hại cũng thường xảy ra khi nhu cầu cảm xúc của cá nhân không được đáp ứng trong những năm đầu đời của họ. Sau nhiều năm bị bỏ mặc hay mắng chửi, rằng cá nhân ấy không đủ tốt; điều này sẽ in sâu vào trong đầu họ tới mức cá nhân ấy bắt đầu tin tưởng vào nó. Và kết quả là, họ có thể sẽ tìm kiếm những mối quan hệ phụ thuộc không lành mạnh, có liên quan tới rối loạn ăn uống để che đậy đi những cảm xúc hoặc hi sinh hạnh phúc của bản thân để trả giá cho những người khác vì họ quá mong muốn được yêu mến và chấp nhận.

Những Lí Do Mà Một Cá Nhân Có Hành Vi Tự Hại

  • Để có cảm giác kiểm soát
  • Bộc lộ sự đau đớn
  • Như một cách đánh lạc hướng
  • Như sự trừng phạt
  • Để cảm thấy thoả mãn
  • Để cảm nhận được cảm xúc

Tâm Lý Học Về Trị Liệu Tự Hại

Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị chính cho những người có hành vi tự hại, kể cả đó là tự hại về thể chất hay tinh thần. Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng các phương pháp tâm lý trị liệu dành riêng cho tự hại mang lại nhiều thành công hơn so với các phương pháp điều trị chung hơn. Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) là một phương pháp điều trị ngắn hạn và rất chú trọng vào kết quả. Liệu pháp này tập trung vào xác định các cảm xúc, hành vi và suy nghĩ kém thích nghi tiềm ẩn đằng sau những hành vi tự hại và sau đó thay thế chúng với các suy nghĩ, hành vi tích cực và lành mạnh hơn để đối phó với những tác nhân gây căng thẳng góp phần tạo nên những hành vi tự hại ấy.

Ví dụ như, một cá nhân có thể thường phóng đại một tình huống tiêu cực hơn là xem đó là một phần của hiện thực. Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) có thể xác định những khuôn mẫu suy nghĩ tiêu cực ấy, thách thức, và thay thế nó với một khuôn mẫu suy nghĩ thực tế và tích cực hơn.

Nguồn: Psychology Behind Cutting Self Harm: Looking at the Underlying Causes- Discovery & Anxiety Program, Mental Health Treatment.