Kỹ Năng Tự Nhận Thức Và Trí Tuệ Cảm Xúc Ở Tuổi Teen

Tự nhận thức (self-awarenes) và Trí tuệ cảm xúc (EQ) là những kỹ năng sống rất quan trọng giúp tuổi teen xây dựng một cuộc sống hạnh phúc.

Trí Tuệ Cảm Xúc (EQ) Là Gì?

EQ là khả năng hiểu và điều chỉnh cảm xúc, cũng như sử dụng sự hiểu biết đó để định hướng suy nghĩ và hành động. Thanh thiếu niên có EQ cao có khả năng tự điều chỉnh và tự làm dịu bản thân tốt hơn.

Với EQ tốt, tuổi teen cũng có thể phát triển sự thấu cảm (empathy), giúp xây dựng tình bạn lành mạnh và giải quyết xung đột một cách hòa bình. Từ đó, thanh thiếu niên hiểu rõ hơn về bản thân, người khác và tình huống, điều này giúp đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn trong cuộc sống.

Tự Nhận Thức Là Gì?

EQ là một kỹ năng sống cần thiết và chỉ có thể phát triển khi có tự nhận thức về bản thân mạnh mẽ.

Tự nhận thức (self-awareness) là khả năng quan sát những suy nghĩ và cảm xúc bên trong của chúng ta, đồng thời theo dõi cách chúng ảnh hưởng đến những trải nghiệm bên ngoài của chúng ta.

Khả năng nhận thức bản thân này là một yếu tố quan trọng đối với thanh thiếu niên và không chỉ xây dựng EQ của họ mà còn mang lại cho họ cảm giác kiểm soát tốt hơn đối với cuộc sống của mình.

Tuổi teen với tự nhận thức tốt có thể nhận ra cách quản lý suy nghĩ của mình và sử dụng sức mạnh của tự nhận thức để tạo ra một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn.

Tự Nhận Thức Giúp Ích Như Thế Nào?

Hãy xem xét ví dụ sau về một thanh thiếu niên đã thực hành tự nhận thức để đạt được những mục tiêu trong cuộc sống:

Lily mới 16 tuổi khi bắt đầu gặp nhà tâm lý. Cô bé bước vào buổi hỗ trợ với sự tự ti và cảm giác mình là “không đủ” (not-enoughness). Dù có nhiều hy vọng và ước mơ, Lily sợ phải đón nhận những rủi ro song hành, vì sợ thất bại và bị từ chối.

Khi sự tự nhận thức được xây dựng và phát triển, Lily nhận thức được cách độc thoại nội tâm của mình (self-talk). Cô bắt đầu nhận ra khi nào mình đang tự nói với bản thân rằng điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra, hoặc tự nhủ là cô sẽ thất bại, hay khi nào mình đang trùn bước trước những cơ hội thú vị. Với hiểu biết về cách nghĩ này, Lily có thể chuyển sự tập trung của mình sang những suy nghĩ thực tế và hữu ích hơn. Thông qua các cuộc trò chuyện an toàn và quá trình tìm hiểu bản thân với nhà tâm lý, cô bé đã hiểu thêm về những phẩm chất bên trong của mình. Lily nhận ra rằng mình cảm thấy tốt hơn rất nhiều khi việc độc thoại nội tâm trở nên tích cực hơn, làm nổi bật những phẩm chất và khả năng của bản thân.

Lily bắt đầu tự nhủ, mình có thể làm những việc khó hơn và mình là một người thông minh để có thể tìm ra cách giải quyết. Điều này cho phép cô bé chấp nhận những rủi ro lành mạnh, cụ thể là với những điều mà cô mong muốn từ lâu, ví dụ như đăng ký tham gia vở diễn ở trường. Sử dụng khả năng tự nhận thức (và EQ), cô đã tự đưa mình ra khỏi vùng an toàn và đến buổi thử vai. Sự lo lắng của cô bé không hoàn toàn biến mất, nhưng cô vẫn có thể thực hành những gì đã học, làm hết sức mình và có được một vai diễn nhỏ.

Trải nghiệm của Lily nêu bật những gì có thể xảy ra khi thanh thiếu niên có được sự tự nhận thức. Nếu không có nó, cô bé này có thể sẽ bị mắc kẹt mãi trong tình trạng thiếu tự tin và cảm giác không xứng đáng. Với khả năng tự nhận thức, cô bé cảm nhận được năng lực, sức mạnh và niềm vui!

Cha Mẹ Có Thể Làm Gì Để Nâng Cao Tự Nhận Thức Ở Tuổi Teen?

Giúp Trẻ Nhận Diện Được Những Suy Nghĩ

Hãy đặt những câu hỏi như, con nghĩ thế nào về bản thân? Cách nghĩ của con về chính mình có giúp ích không? Nếu không, đâu sẽ là một thông điệp hữu ích hơn?

Khuyến Khích Trẻ Chấp Nhận Cảm Xúc

Nói chuyện với một người trung lập, chẳng hạn như một nhà tâm lý hoặc nhà trị liệu, có thể xây dựng khả năng tự nhận thức và mở rộng quan điểm. Viết nhật ký cũng là một công cụ hữu ích khác để tiếp nhận những trải nghiệm và phản ứng cảm xúc.

Nói Về Điểm Mạnh Và Điểm Yếu

Hãy nhắc trẻ rằng mọi người đều có điểm yếu. Chia sẻ những gì bạn thấy ở trẻ. Thảo luận về cách sử dụng điểm mạnh để khắc phục điểm yếu và hoạt động có thể cải thiện điểm yếu nhất định. Chia sẻ với trẻ “Câu chuyện về điểm mạnh” của chính bản thân: khi bạn sử dụng một (nhiều) điểm mạnh của mình để vượt qua thử thách hoặc tình huống khó khăn trong đời.

Kết Nối Thường Xuyên

Vào cuối mỗi ngày, hãy chia sẻ với trẻ về những việc đã xảy ra, những lúc vui lúc buồn. Nói về cảm xúc và suy nghĩ của mỗi người sẽ giúp làm sáng tỏ những suy nghĩ và cảm xúc đó, cũng như nhận ra chúng đã tác động đến tình huống như thế nào.

Hỏi Những Câu Hỏi Nâng Cao Sự Tự Nhận Thức

– Con tự nói về mình với chính mình như thế nào?

– Hôm nay con đã sử dụng một điểm mạnh của mình như thế nào?

– Giá trị nào được thể hiện trong sự lựa chọn đó?

– Nếu con có một cây đũa thần, con sẽ thay đổi điều gì? Thay đổi đó sẽ ảnh hưởng đến con như thế nào? Con có thể làm gì để bắt đầu thay đổi đó ngay bây giờ?

– Con ngưỡng mộ những phẩm chất nào ở người khác? Con nhìn thấy điểm nào trong số những phẩm chất đó ở bản thân?

Nguồn: Building Self-Awareness and Emotional Intelligence in Teens, Erica Rood M.A. Ed., Inspire Balance