Sở GD&ĐT vừa tổ chức các lớp bồi dưỡng khoa học tâm lý cho gần 550 cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông toàn tỉnh. Trong đó cấp tiểu học có 145, THCS 296 và THPT – GDTX có 100 cán bộ, giáo viên.
Hiện nay, thực trạng tâm lý học đường, nhất là ở cấp THPT trở nên đáng quan ngại với nhiều vụ việc như nữ sinh đánh bạn chỉ vì ghen ghét, đố kỵ, yêu sớm; áp lực học hành, thi cử, sự kỳ vọng của cha mẹ; mâu thuẫn bạn bè, bất đồng thầy cô, hay chỉ đơn giản là sự thay đổi tâm sinh lý tuổi mới lớn dẫn đến một số học sinh, sinh viên có những hành vi, suy nghĩ lệch lạc, trầm cảm, chán ghét cuộc sống…
Trước thực trạng như vậy, giải pháp hữu hiệu mà các chuyên gia tư vấn tâm lý học đường khuyến cáo chính là nên thực hiện tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, đặc biệt chú ý ở giai đoạn dậy thì, có những thay đổi về thể chất và tâm lý. Việc tư vấn tâm lý học đường không chỉ giải quyết được những vấn đề học sinh đang mắc phải mà còn giúp cải thiện mối quan hệ giữa học trò – thầy cô, con cái – cha mẹ, bạn bè – bạn bè…
Phát biểu chỉ đạo các lớp bồi dưỡng, Phó Giám đốc Sở GDĐT Đặng Công Hòa nhấn mạnh: “Tư vấn tâm lý giúp học sinh tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn trong học tập, cuộc sống. Qua đó, học sinh sẽ không cảm thấy quá căng thẳng, áp lực, nặng nề, mệt mỏi, từ đó giúp việc học tập hiệu quả hơn, cuộc sống vui vẻ hơn. Thực hiện tư vấn tâm lý học đường giúp giáo viên có thể gần gũi với học sinh hơn, dễ dàng giao tiếp và hiểu học sinh của mình, từ đó sẽ có những biện pháp can thiệp kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra”.
Thông qua bồi dưỡng, các học viên đã được truyền đạt nhiều nội dung như: Tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác; tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp; tham vấn tâm lý đối với học sinh gặp khó khăn cần hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời; giới thiệu, hỗ trợ đưa học sinh đến các cơ sở, chuyên gia điều trị tâm lý đối với các trường hợp học sinh bị rối loạn tâm lý nằm ngoài khả năng tư vấn của nhà trường.
Ghi nhận chung, cán bộ, giáo viên rất hào hứng với phong cách giảng bài và những kiến thức thiết thực, bổ ích mà Tiến sỹ Hoàng Trung Học đã mang lại; nhận thức và thấu hiểu được sự cần thiết của công tác tư vấn cho học sinh; nắm được bản chất, nội dung, hình thức, nguyên tắc, quy trình tư vấn đối với học sinh phổ thông; hiểu được đặc điểm và nhu cầu được tư vấn của học sinh phổ thông; vận dụng đúng quy trình và nguyên tắc chung để tiến hành tham vấn, hướng dẫn học sinh giải quyết vấn đề cụ thể của chính các em; vận dụng được một số phương pháp, kỹ thuật tìm hiểu, đánh giá khó khăn tâm lý của học sinh và lập kế hoạch tư vấn để giúp các em giải quyết các vấn đề cụ thể của bản thân; sẵn sàng lắng nghe, tìm hiểu để đánh giá học sinh một cách khách quan, có kỹ năng định hướng, hỗ trợ học sinh khi các em gặp các vấn đề cần giải quyết.
Nguồn: Hồng Tâm / Phòng TCCB-CTTT, Sở GD&ĐT Tỉnh Vĩnh Phúc