Ngày 25/3, Hội nghị khởi động Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị có sự tham gia trực tuyến của các quan chức, đầu mối phụ trách phúc lợi xã hội và phát triển và hiệp hội nghề công tác xã hội ASEAN của các nước thành viên ASEAN; Chủ tịch/Phó Chủ tịch các cơ quan hợp tác chuyên ngành bao gồm: Y tế, giáo dục, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, phụ nữ và Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em; Ban Thư ký ASEAN; các đại diện của UNICEF, UN Women, các tổ chức quốc tế và các đối tác khác của ASEAN.
Tại điểm cầu Hà Nội có đại diện của các Bộ, ngành, hiệp hội, khoa công tác xã hội của các trường đại học, học viện, bệnh viện, các tổ chức quốc tế có liên quan…Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Công tác xã hội chưa đáp ứng được các nhu cầu của người dân
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng cho biết, Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng (được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37) đã khẳng định cam kết của ASEAN trong việc thúc đẩy công tác xã hội và tăng cường vai trò của công tác xã hội trong Cộng đồng ASEAN. Theo đó, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên công tác xã hội và đạt được sự hòa nhập cho các nhóm dễ bị tổn thương.
“Tuyên bố có ý nghĩa quan trọng đối với các nước thành viên ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh ngành công tác xã hội hiện nay chưa đáp ứng được các nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương” – Thứ trưởng nhấn mạnh
Tiếp theo những ưu tiên đã đề ra của năm 2020, Thứ trưởng kỳ vọng Lộ trình thực hiện Tuyên bố để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 ghi nhận sẽ bao gồm các chiến lược, hành động và thời gian nhằm thực hiện các cam kết đã được nêu trong bản Tuyên bố, trong đó chú trọng việc lồng ghép vào các kế hoạch hành động của các cơ quan chuyên ngành có liên quan như phúc lợi xã hội và phát triển, y tế, giáo dục, lao động…
Biến những cam kết trở thành hành động
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu những nội dung chính của Tuyên bố Hà Nội; trao đổi và chia sẻ quan điểm về những vấn đề cần tập trung trong việc xây dựng lộ trình.
Ông Marcoluigi Corsi, Phó trưởng đại diện UNCEF khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng: “Trong khi chúng ta đã có những tiến bộ rõ rệt trong ASEAN thì hệ thống lực lượng cung cấp dịch vụ xã hội vẫn cón rất thiếu. Thiếu nguồn lực, con người và thiếu sự hỗ trợ và công tác xã hội chưa được công nhận là một nghề ở nhiều nước. Cán bộ công tác xã hội phải trải qua nhiều thách thức trong công việc để có thể đưa những dịch vụ tốt nhất đến những người yếu thế trong xã hội. Lộ trình để thực hiện Tuyên bố Hà Nội là một trong những cơ hội quan trọng để chúng ta có khung cơ bản, chi tiết biến những cam kết trở thành hành động.”
Tham gia trình bày về Khung của Lộ trình thực hiện Tuyên bố, bà Jacel Javier Paguio, Ban thư ký ASEAN đánh giá đây là một kế hoạch mang tính chiến lược, với từng bước được hoạch định khoa học, hứa hẹn đem đến các kết quả như mong đợi.
Để nâng cao chất lượng công tác xã hội, đồng thuận ý kiến của các đại biểu các nước ASEAN, bà Hà Thị Minh Đức – Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TBXH) cho rằng, công tác xã hội phải chuyên nghiệp, được tập huấn, chia sẻ các chương trình đào tạo; điều phối các hoạt động giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các nước ASEAN và cần phải làm cho hoạt động phối hợp này được đẩy mạnh hơn.
Nhấn mạnh quá trình xây dựng và triển khai Lộ trình, Việt Nam mong muốn đưa Tuyên bố trở thành hoạt động ấn tượng, có tính hiệu quả cao, thực chất, bà Hà Thị Minh Đức cho rằng để đạt được điều đó, “chúng ta cần có những ý tưởng sát thực tế”.
Đại diện các nước ASEAN tham gia Hội nghị đã cùng đặt mục tiêu Lộ trình thực hiện Tuyên bố được xây dựng sẽ bao gồm các chiến lược và hành động nhằm thực hiện các cam kết đã được nêu trong bản Tuyên bố, trong đó chú trọng việc lồng ghép vào các kế hoạch hành động của các cơ quan chuyên ngành có liên quan như phúc lợi xã hội và phát triển, y tế, giáo dục, lao động…
Ngay sau Hội nghị, Nhóm Công tác của Lộ trình bao gồm các quan chức, đầu mối phụ trách phúc lợi xã hội và hiệp hội nghề công tác xã hội của một số nước thành viên ASEAN sẽ được thành lập.
Nhóm Công tác sẽ làm việc tích cực, chia sẻ quan điểm và thảo luận sâu hơn về việc hoàn thiện Lộ trình theo Khung thời gian được thống nhất.
Nguồn: Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội